Thursday, April 23, 2015

Có thể nào dừng lại được không?



Gần 40 năm kể từ cuộc chiến huynh đệ tương tàn chấm dứt. Vào ngày 28/4/2014 lần đầu tiên những người TPB VNCH được tri ân một cách công khai tại nhà thờ DCCT Sài Gòn. Và kể từ đó các buổi khám bệnh tầm soát sức khỏe cho các TPB được tổ chức hàng tháng, đợt đầu tiên vào ngày 26/8/2014, những đợt đầu chỉ với 50 - 70 TPB, và rồi số lượng tăng dần 100 - 120 TPB cho đến ngày 17/4/2015 dự định là đợt thứ 7 với danh sách 152 TPB ở khắp các nơi đã được thông báo hẹn ngày giờ khám bệnh. Và sau mỗi đợt khám bệnh là phát xe lăn, xe lắc, nạng, gậy và mắt kiến cho những TPB có nhu cầu.
Thế nhưng trong đợt thứ 7 này, DCCT đã lên danh sách mời 152 TPB từ khắp nơi chuẩn bị sẳn sàng khám bệnh vào ngày 17/4/2015 do 4 cơ sở đa khoa thiện nguyện đứng ra phụ trách đã gặp trở ngại vào những giờ phút cuối. Nguyên nhân được biết trong bài trả lời phỏng vấn RFA ngày 17/4/2015. Tân Linh mục Giám tỉnh GiuSe Nguyễn Ngọc Bích, người mới thay thế LM Giám tỉnh Phạm Trung Thành cho rằng nhà sách của DCCT là nơi bán sách không nên tổ chức tụ tập đông người gây trở ngại cho việc kinh doanh.
Về việc “nhà sách và kinh doanh”, tôi xin được nói rỏ vì có một số người hiều lầm, thoạt nghe không hiểu vấn đề, có người nghĩ rằng việc tổ chức khám bệnh TPB đã mượn không (chiếm dụng) gây thiệt hại việc kinh doanh của nhà sách (thậm chí có người còn suy diễn đóng cửa phòng CLHB). Ở đây xin được trình bày cụ thể như sau:
Nhà sách của DCCT là khối nhà 3 tầng. Tầng trệt là nơi trưng bày các gian hàng sách và các sản phẩm. Còn 2 tầng trên dùng để phục vụ cho việc hội họp, không phải chỉ cho thuê phòng ốc mà cho thuê toàn bộ các dịch vụ kể cả bàn ghế, sân khấu và phục vụ ăn, uống.
- Tầng 2 chia làm nhiều phòng dành phục vụ các buổi sinh hoạt, họp mặt ít người (vài chục người). và một phòng lớn dùng tổ chức hội họp đông người như tiệc cưới, nơi đây có thiết kế sẳn một sân khấu (tiệc cưới của Huỳnh Thục Vy được tổ chức tại đây).
- Tầng 3 là một không gian rộng thông suốt không vách ngăn, cũng có thiết kế sẳn một sân khấu lớn, nơi này có thể phục vụ đến vài trăm người, đây chính là nơi tổ chức tri ân TPB ngày 12/1/2015.
Riêng các lần tổ chức khám bệnh cho các Thương Phế Binh đều là thuê mướn sòng phẳng, cùng lúc phòng CLHB hợp đồng thuê cả 2 tầng (tầng 2 và tầng 3) bao gồm luôn phần dịch vụ phục vụ ăn, uống.

Tiệc cưới Huỳnh Thục Vy, tại phòng lớn tầng 2

Tiệc Tri ân và khám bệnh TPB tại tầng 3

Về buổi khám bệnh đợt 7. Mặc dù đã cố gắng thông báo huỷ khám sức khoẻ đến từng người, nhưng sáng ngày 17/4/2015 cả chục ông TPB VNCH vẫn đến phòng CLHB xem có đúng vậy không. Họ bán tín bán nghi vì cho rằng DCCT chưa bao giờ huỷ với họ điều gì. Không đành lòng trước niềm tin và sự hy sinh của họ, chúng tôi chia sẻ với họ những món quà đã chuẩn bị sẵn nếu chương trình không bị huỷ. Đó là quà của đài Little Sài Gòn bên Hoa Kỳ và bao thư 500.000 của chị Ngọc sống tại Bình Dương.

Sáng ngày 17/4/2015 LM Đinh Hữu Thoại phát quà cho các TPB đến khám bệnh hụt

Nhiều người nói rằng đã xem tấm hình phía dưới rất nhiều lần. Có người tâm sự rằng tấm hình đó toát lên một sự cảm xúc khó tả. Một tình nguyện viên trẻ bồng một TPB trong ngày Tri Ân Thương Phế Binh VNCH được tổ chức tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn ngày 28/4/2014.
Thật ra tôi cũng không nhớ người TPB này tên gì, nhưng vừa qua ngày 10/4/2015 có một thanh niên đến phòng Công Lý &; Hòa Bình báo tin cha là TPB Nguyễn Phước Hiền sau thời gian nằm viện vừa mất, xem lại danh sách thấy TPB Nguyễn Phước Hiền (sinh năm 1948), số quân: 68/134.833, Trung sĩ tiểu đoàn 39 BĐQ, bị thương cụt 2 chân tại chiến trường Quảng Trị năm 1970, người con cho biết linh cửu được đưa về nhà trọ tại quận 12.
Tối ngày 11/4/2015 chúng tôi đến viếng tang, khi đến mới nhận ra người TPB cụt 2 chân này chính là người mà Tình nguyện viên Hoàng Dũng đã bồng. Qua thân nhân được biết Ông lập gia đình sau khi đã là TPB cụt 2 chân và có 2 con trai, một Cao đẳng và một Đại Học, đã tốt nghiệp chưa lập gia đình, Vợ ông đã mất 4 năm trước. Một mình ông bán vé số nuôi 2 con ăn học, chỉ riêng việc này cũng đáng để chúng ta nể phục.



Tình nguyện viên Hoàng Dũng bồng TPB Hiền

Một trường hợp khác. Hôm 16/4/2015 bà Huỳnh Kim Hoàng tìm đến phòng Công Lý & Hòa Bình báo tin, anh của bà là TPB Huỳnh Hồng Long trước sĩ quan Thủ Đức ra trường phục vụ tại đơn vị tác chiến, ngày 16/6/1974 bị thương, anh Long sống độc thân, sau đó bị tai biến nằm một chổ, nhờ người em gái (là bà) chăm sóc. Và chúng tôi đã đến tận nơi thăm viếng, thấy hoàn cảnh của TPB Long quá bi đát khổ sở đã trao 1 triệu đồng gọi là để hổ trợ chia sẽ khó khăn. Sau khi đưa tin có một mạnh thường quân gởi biếu anh Long 100$AUD, người đó chỉ để tên là "bé Nhi", và ngày 21/4/2015 tôi đã đến thăm trao tận tay anh Long.



bao thơ “bé Nhi” gởi tặng TPB Long

Mới đây, vào trưa ngày 22/4/2015, Văn phòng Công lý & Hòa bình mở cửa lại sau giờ nghĩ trưa. Thật bất ngờ, một người TPB VNCH cụt cả hai chân đang nằm ngoài hành lang, ông tên Thạch Ba đến từ Sóc Trăng, trước phục vụ trong sư đoàn 21 bộ binh, ông sinh năm 1935 (80 tuổi) nhập ngũ năm 1955, bị thương cụt 2 chân vào năm 1974, sau gần 20 năm trong quân đội, cấp bậc cuối cùng là Trung sĩ nhất. Ông nghe nói về chương trình TPB của DCCT nên ông tìm đến với hy vọng nhỏ nhoi sẽ có thể nhận được sự trợ giúp của DCCT mà ông được nghe người ta kể lại. Nhìn người TPB cụt hai chân, nằm gối đầu lên cặp nạng bằng tre tự chế đã rệu rã phải buộc chằng thêm dây. Thật xúc động, chúng tôi tặng ông cặp nạng nhôm, nhưng vì ông bị cụt 2 chân nên ông dùng không vừa. Ngoài ra, ông còn mang theo hai bộ hồ sơ của 2 người bạn TPB cũng ở Sóc Trăng quê ông.

Người TPB cụt 2 chân nằm kê đẩu lên cặp nạng tre tự chế

Tôi bỗng nhớ đến một người TPB bị cụt 2 chân là anh Nguyễn Đức Bình TQLC đã cắt chế lại cặp nạng dùng rất tốt, tôi bèn mời anh Bình đến mượn cặp nạng cho ông thử nếu vừa thì đổi ngay cho ông để ông kịp trở về quê và sẽ chế cặp nạng khác thường lại cho anh Bình, nhưng ông Thạch Ba lùn hơn anh Bình nên không vừa. Cuối cùng chúng tôi phải thuyết phục mời ông ở lại đôi ngày để chế lại cặp nạng bằng nhôm cho ông, chúng tôi sắp xếp cho ông chổ nghĩ chung với 2 người TPB vô gia cư khác mà chúng tôi đã bảo trợ từ trước.



TPB Bình TQLC và Thạch Ba Sư đoàn 21 BB



Ba người TPB vừa xem TV vừa đối ẩm tại nơi nghĩ trọ

Hôm qua, ngày 23/4/2015 đã hoàn chỉnh cặp nạng mới cho ông, Và LM Thoại quyết định tặng 3 phần quà (mỗi phần gồm 1 chiếc áo, 1 cục xà bông và 2 cây cạo râu) kèm với 3 bao thơ (1 triệu/1 bao) gởi biếu ông và 2 người bạn TPB của ông ở quê, đặc biệt có một người bạn làm việc trong nhà Dòng biết tin đã đưa nhờ gởi tặng riêng cho ông Thạch Ba 1 triệu đồng.

cặp nạng mới và cặp nạng cũ



Mang về quê 3 bao quà và 4 bao thư

Sáng sớm hôm nay 24/4/2015, TPB Thạch Ba ra xe về quê. Nhớ buổi chiều khi tôi chở đưa ông về chổ nghĩ trọ, ông tâm sự ước có được một chiếc xe lắc để di chuyển, tôi có nói với ông, chúng tôi có thể tặng ông, nhưng chiếc xe lắc cồng kềnh làm sao chuyên chở đem về quê? Nếu là chiếc xe lăn xếp lại đưa lên xe đò chở đi dễ hơn, ông nói sức đã yếu không thể lăn xe đi xa nổi.

Tình Nguyện Viên đưa TPB về nơi nghĩ trọ

Tôi chỉ là một cựu quân nhân QLVNCH sẳn sang dốc hết tâm sức đồng hành cùng chương trình trợ giúp thương phế binh của phòng Công Lý & Hòa Bình thuộc Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế - Sài Gòn từ những buổi sơ khai.
Tôi hãnh diện mình là một cộng tác viên của phòng Công Lý &a Hòa Bình, và là một Tình Nguyện Viên xuyên suốt trong chương trình trợ giúp thương phế binh VNCH của Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, nơi mà trong thời gian qua được khắp thế giới ngưỡng mộ. Trong 6 lần liên tiếp Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn đã tổ chức các đợt khám bệnh miễn phí cho các anh em thương phế binh VNCH. Và giúp họ từ chiếc xe lăn, xe lắc cho tới những phần quà tuy không bao nhiêu nhưng đầy tình người đã vực dậy niềm cô đơn và số phận không may của họ trong bao nhiêu năm trời bị nhà cầm quyền hất hủi và xã hội lãng quên.
Giờ đây sau 40 năm, dẫu có thế nào, dù có thay đổi gì đi nữa, tôi vẫn tin những con người đã từng một thời hy sinh vì lý tưởng bảo vệ tự do cho dân tộc Việt Nam sẽ luôn được tiếp tục tri ân, dù dưới hình thức nào, do bất kỳ tổ chức nào, và thực hiện dưới một mái nhà nào đi chăng nữa. 
Cám ơn các anh, những chiến hữu của tôi, và cám ơn các Cha DCCT, những người đã hết lòng hết sức tri ân đối với chiến hữu của tôi - những TPB VNCH.
Chắc chắn không một thế lực nào có thể thay đổi được tinh thần “Huynh đệ Chi Binh” của người lính VNCH và với truyền thống đạo lý tốt đẹp "lá lành đùm là rách" của dân tộc Việt Nam không thể nào ngoảnh mặt bỏ rơi họ.



các TPB cùng góp vui trong ngày khám sức khỏe



Chương trình tặng xe lắc cho các TPB

Tôi quan niệm rằng:
Trong công việc, Tình Nguyện Viên nhận nhiều việc về mình, không phải vì người ta xuẩn ngốc, mà là người ta hiểu được ý nghĩa trách nhiệm của một tình nguyện viên.
Tình Nguyện Viên giúp đỡ người khác, không phải vì họ nợ người đó cái gì, mà là vì người ta xem đó là trách nhiệm cao cả.

Xin hỏi như vậy
Có thể nào dừng lại được không?

Huỳnh Công Thuận - 24/4/2015

Saturday, April 04, 2015

Thư Lý Quang Diệu gửi Margaret Thatcher về vấn đề thuyền nhân Việt Nam

Tác Giả Phạm Thị Hoài

Trong tác phẩm Bên Thắng Cuộc, chương "Nạn kiều", nhà báo Huy Đức nhắc tới "Phương án II", "một kế hoạch 'được phổ biến miệng để giữ bí mật', theo đó: người di tản được đóng vàng để công an mua thuyền hoặc đóng thuyền cho đi mà không sợ bị bắt hay gây khó khăn. Việc thực hiện Phương án II chỉ do ba người là bí thư, chủ tịch và giám đốc công an tỉnh quyết định. Công an được giao làm nhiệm vụ đứng ra thu vàng và tổ chức cho người di tản."[1] Đó là thời điểm từ giữa năm 1978 đến giữa năm 1979, khi chiến dịch bài Hoa ở Việt Nam dâng cao và chiến tranh biên giới Việt-Trung bùng nổ. Những người vừa mất nơi sinh sống, vừa mất hết tiền của vào tay chính quyền để ra đi "hợp pháp" trong vòng bí mật và không ít cũng sẽ mất mạng trên biển trong kế hoạch này phần lớn là người Việt gốc Hoa.

 Phương án bí mật, chưa bao giờ được chính quyền Việt Nam thừa nhận này, được đánh giá từ một nguồn bất ngờ khác: bức thư của cố Thủ tướng Singapore vừa qua đời, gửi cho cố Thủ tướng Anh ngày 5/6/1979, đăng trên trang Margaret Thatcher Foundation.

Chúng ta đã biết rằng Lý Quang Diệu ủng hộ sự xích lại gần nhau của Trung Quốc và Hoa Kỳ sau Chiến tranh Việt Nam để kiềm chế ảnh hưởng của Liên Xô. Ông cũng biện bạch cho Pol Pot, rằng Khmer Đỏ là một phương án cần thiết, chẳng qua chỉ bị giới truyền thông cường điệu lên thành ma quỷ[2].Về xung đột biên giới Việt-Trung, ông cho rằng nếu Trung Quốc không dạy cho Việt Nam một bài học thì giờ này Liên Xô đã bành trướng thế lực ra toàn Đông Nam Á, rằng các nước trong khu vực đều hưởng lợi từ đòn phủ đầu của người Tàu. Khi ấy, Đặng Tiểu Bình đã coi ông là cố vấn và mô hình Singapore đã trở thành hình mẫu của Trung Hoa hiện đại. Họ Lý và họ Đặng gặp nhau hai lần, trò chuyện kéo dài, nồng ấm và trân trọng lẫn nhau, ngày 12 và 13/11/1978, trong chuyến thăm đầu tiên của nhà lãnh đạo Trung Quốc tại Singapore. Trước đó một tháng, nhanh chân hơn, ngày 16/10/1978, Thủ tướng Việt Nam Phạm Văn Đồng cũng đến Singapore tiếp kiến Lý Quang Diệu. Nhưng cuộc trò chuyện giữa họ Lý và họ Phạm, theo miêu tả của một nhà ngoại giao Singapore chứng kiến cả ba cuộc gặp mặt[3], diễn ra lạnh lẽo.

Cuối năm 1978, đầu năm 1979, hàng trăm ngàn thuyền nhân Việt Nam trở thành một vấn nạn quốc tế. Khác với nhiệt tình cứu giúp những năm trước, các nước trong khu vực bắt đầu lo ngại, từ chối, thậm chí xua đuổi và có cả trường hợp nổ súng vào thuyền nhân Việt Nam. Các nước phương Tây bắt đầu đùn đẩy nhau trách nhiệm bảo lãnh. Anh quốc đóng một vai trò, vì điểm đến của những nạn kiều gốc Hoa này trước hết là Hồng Kông, trong khi Anh quốc chỉ sẵn lòng tiếp nhận tổng cộng chưa đầy 2000 người. Trước áp lực của công luận, Thủ tướng Anh Margaret Thatcher thậm chí đã tính đến việc mua một hòn đảo ở Thái Bình Dương cho thuyền nhân Việt Nam định cư. Dự định này bị Lý Quang Diệu phản đối, vì lo ngại nó sẽ trở thành một đảo quốc, cũng của những người Tàu tha phương, cạnh tranh với Singpore.[4]

Ngày 23/5/1979, một chiếc thuyền với 293 người tị nạn Việt Nam được con tàu chở hàng Roachbank của Anh trên đường từ Singapore đến Đài Loan cứu vớt, đến Cao Hùng ngày 27/5. Song chính quyền Đài Loan từ chối không cho họ nhập cảnh, tàu Roachbank không được phép cập cảng.[5] Bà Margaret Thatcher đã nhờ đến Thủ tướng Singapore để gây áp lực với chính quyền Đài Loan, trước khi nước Anh phải đối diện với trách nhiệm bảo trợ những con người trong bước đường cùng đó. Toàn văn bức thư trả lời của Lý Quang Diệu như sau:




Ngày 5/6/1979

Thưa Thủ tướng,

Cảm ơn bà về bức thư ngày 30 tháng Năm.

Vấn đề người tị nạn này rất nghiêm trọng và có lẽ sẽ còn tồi tệ hơn.

Tháng trước, tại một hội nghị quốc tế ở Jakarta ngày 15-16 tháng Năm, đại diện Việt Nam đã tuyên bố rằng Việt Nam sẽ cho phép 10,000 người di tản hợp pháp mỗi tháng. Ông ta ước chừng dè dặt là có khoảng 600,000 người muốn ra đi. Phần lớn cho rằng con số ấy có thể lên đến gần một triệu.

Bà có đề nghị tôi thỉnh nguyện chính phủ Đài Loan nhận những người tị nạn trên con tàu "Roach Bank". Vì quan điểm của chính nước tôi trong vấn đề người tị nạn Việt Nam, tôi không thực sự là người thích hợp để đưa ra yêu cầu đó. Chính sách của Đài Loan không khác gì chính sách của Singapore. Tuy nhiên, tôi sẽ đề nghị họ cân nhắc việc đưa ra một ngoại lệ, ngoại lệ duy nhất, cho những người tị nạn trên tàu "Roach Bank". Tôi không lạc quan về kết quả, vì tôi biết rằng nếu họ chấp nhận thì cử chỉ đó sẽ kéo theo hàng ngàn người tị nạn khác.

Tôi tin rằng những tin tức về vấn đề người tị nạn trên truyền thông và từ các phát ngôn viên của các chính phủ phương Tây chỉ làm lợi cho chính quyền Việt Nam. Chú trọng vào những giải pháp có thể đặt ra, chẳng hạn nước nào sẽ đảm nhận những người tị nạn nào và bao nhiêu, truyền thông đã biến họ thành đối tượng cho sự đổ lỗi lẫn nhau giữa các chính quyền phi cộng sản. Các nước này sẽ bảo đảm được quyền lợi của mình hơn, nếu tập trung năng lượng vào việc vạch trần sự bỉ ổi của chính quyền Việt Nam. Phải nói, phải nhắc đi nhắc lại, cho nhân dân và các nhà lãnh đạo trên toàn thế giới biết rằng chính quyền nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam chính là kẻ tích cực xúc tiến cuộc di tản ồ ạt này, gây thiệt hại nặng nề cho các nước Đông Nam Á.­­

Chúng ta phải đẩy họ vào thế thủ. Các nhà lãnh đạo Việt Nam không phải là những kẻ điên rồ vô lý như kiểu Idi Amin[6]. Họ có đầu óc lạnh lùng tính toán, không hề biết động lòng với chính đồng bào mình, nhưng làm phép tính giữa chi phí và lời lãi thu về thì rất nhanh. Chỉ có nguy cơ bị cộng đồng quốc tế ruồng bỏ mới khiến họ phải phản suy xét lại đường lối hiện tại. Từ giờ đến lúc đó, họ sẽ còn tung ra hàng ngàn người tị nạn mỗi tuần.

Kính thư

Lý Quang Diệu

Với những lời thẳng thừng không một chút màu mè ngoại giao này, vị nguyên thủ Singapore khó có thể hãnh diện về trái tim nhân đạo của mình, song sự tỉnh táo sắc bén của ông quả là xứng đáng với huyền thoại Lý Quang Diệu. Làm thế nào một người hoàn toàn đứng ngoài như ông, ngay ở thời điểm đó, có thể nhận ra thực chất của chính sách kiếm lời trên lưng thuyền nhân của chính quyền Việt Nam, khi phần lớn người Việt chúng ta cho đến giờ phút này vẫn không biết gì, hoặc có biết cũng không thể tin hay không muốn tin vào cái gọi là Phương án II, như đã dẫn ở đầu bài?

Bức thư này, dù chỉ như một ghi chú nhỏ, là một bổ sung vào những trang còn trống của lịch sử thuyền nhân Việt Nam, và, bất chấp sự khó chịu của rất nhiều người Việt, nó còn cho thấy chính Việt Nam những năm tháng ấy cũng đã góp phần không nhỏ để xung đột Việt-Trung biến thành bạo lực, rồi đến lượt nó bạo lực lại nhả độc ngấm sâu trong lòng người Việt như thế nào.


Phạm Thị Hoài


1 Huy Đức, Bên Thắng Cuộc, OsinBook 2012, tr. 123

2 John Pilger, "The Long Secret Alliance: Uncle Sam and Pol Pot", Covert Action Quarterly, 1997

3 Lee Chiong Giam, "Reflection in Bits and Pieces", trong The Little Red Dot: Reflections by Singapore's Diplomats, World Scientific Publishing Company, tr. 211

4 The Sydney Morning Herald, 31/12/2009

5 Thông tin trên trang của Cao ủy Tị nạn LHQ

6 Nhà độc tài Uganda, được mệnh danh là "Đao phủ châu Phi"