Wednesday, October 07, 2015

Vui - Buồn trong chương trình TPB VNCH



Vui - Buồn trong chương trình TPB VNCH
Những niềm vui:
Chương trình Tri Ân Thương Phế Binh Việt Nam Cộng Hòa do Phòng Công Lý & Hòa Bình Sài Gòn thuộc Dòng Chúa Cứu Thế tổ chức.
Sáng hôm qua, thứ ba 6/10/2015 phòng CLHB  có tiếp chuyện một người đến VP hỏi để định nộp hồ sơ, ông là Thiếu tá QLVNCH đi cải tạo hơn 8 năm, có tên trong danh sách “H.O 19” nhưng bị đánh rớt qua 2 lần phái đoàn Mỹ phỏng vấn vì thiếu bản chính “giấy học tập cải tạo”, theo lời ông sau khi cải tạo về ông theo gia đình đi kinh tế và khi đến trình diện với nhà cầm quyền địa phương, họ đã thu giữ giấy cải tạo của ông, đến khi cần trình với phái đoàn Mỹ thì họ bảo đã mất và cấp “giấy xác nhận” nên bị phái đoàn Mỹ đánh rớt… Nay ông đến DCCT hỏi để ghi tên vì ông nghe người ta nói không rỏ nên lầm tưởng ở đây có chương trình giúp cho cựu quân nhân VNCH, qua trao đổi thì ra ông là cấp chỉ huy cũ của tôi, vào năm 1973 ông phục vụ tại Bộ Chỉ Huy 3 tiếp vận (BCH 3 TV), tôi thuộc BCH 4 TV nhưng vào năm 1973 sau HĐ Paris Mỹ rút quân, tôi cầm sự vụ lệnh đến tổng kho Long Bình tiếp nhận bàn giao kho quân xa của Mỹ để lại, và kho quân xa đó thuộc quyền của vị Thiếu tá này. Sau khi trình bày về chương trình TPB của DCCT cũng như lý do, tôi đã xin lỗi rất tiếc không thể ghi tên ông vào danh sách TPB VNCH, ông là người biết chuyện không hề thắc mắc lại rất vui vẽ cùng tôi ôn lại những kỷ niệm cũ thời quân ngũ… khi từ giã ra về, ông đưa tay bắt, tôi vội đứng nghiêm đưa tay lên trán chào đúng lễ nghi quân cách và hô lớn “Chào Thiếu Tá” trước khi đưa tay bắt tay ông.
Sáng hôm nay trong khi tôi bận việc đi vắng, phòng Công Lý & Hòa Bình DCCT có tiếp nhận một số hồ sơ TPB VNCH, trong đó có 1 hồ sơ đầy đủ và rất đặc biệt vì người TPB này có cấp bậc cao nhất trong danh sách TPB VNCH tại DCCT từ trước đến nay, ông là “Thiếu tá TPB VNCH”, theo hồ sơ ông nhập ngũ vào quân đội VNCH từ thời đệ nhất cộng hòa, bị thương năm 1962 nhưng Bản Cáo Tri của ông do Trung tá Hoàng Như Tùng chỉ huy trưởng Quân Y Viện Phan Thanh Giản (Cần Thơ) ký năm 1974, sau khi xem hồ sơ tôi đã điện thoại trao đổi thì được biết ông bị vết thương nơi chân trái vào năm 1962, sau đó trị lành và ông vẫn tiếp tục phục vụ trong quân đội, đến năm 1974 bỗng vết thương cũ tái phát chân bị teo và ông thành ra TPB… qua trao đổi được biết đơn vị cuối cùng của ông là tiểu khu Vĩnh Long, vì Vĩnh Long là quê tôi nên tôi hỏi thăm tới cuối cùng thì ra ông là thuộc cấp của ba tôi, và chúng tôi đã nói chuyện rất vui vẽ về những kỷ niệm xa xưa…
Chứng chỉ giải ngũ của Thiếu tá QLVNCH

Thẻ Cựu Quân Nhân của Thiếu tá QLVNCH


Có một số anh em cựu quân nhân cứ tìm đến hỏi tôi về thông tin các quân nhân nhất là các sĩ quan VNCH, thậm chí có  người còn giới thiệu đưa người quen đến hỏi tôi về thông tin các cấp chỉ huy cũ của họ, nhưng ngộ một cái là tôi ít làm cho họ thất vọng… Nói thật tôi không phải là thần thánh hay tài ba gì nhưng tôi có một bộ nhớ rất tốt cộng với sự giúp đở của nhiều anh em chiến hữu nhất là các bạn từng làm ở ban quân số… Trong thời điểm trước 1975 gia đình tôi 3 đời phục vụ trong chế độ VNCH: (1) từ ông nội tôi thời Pháp, (2) ba tôi là một trong những sĩ quan Việt Nam Tiểu đoàn trưởng đầu tiên của quân đội Quốc Gia Việt Nam được ân thưởng Đệ Ngũ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương do Quốc trưởng Bảo Đại ký, (3) và tôi cùng với 3 người anh đều phục vụ trong QLVNCH, Chưa nói hiện nay qua hơn 2.000 hồ sơ TPB tôi học hỏi thêm được rất nhiều kinh nghiệm bổ ích.
Còn một chuyện vui nữa về Quân Đoàn IV và nhất là Quân Y Viện Phan Thanh Giản (QYV PTG) Cần Thơ vào những ngày 30/4/1975 chưa kể ra, sẳn đây kể luôn:
Đã có không dưới 2 người nói với tôi họ là thương binh nằm tại QYV PTG đến ngày 30/4/75 bị đuổi ra khỏi BV, và tôi đã nói cho họ biết l
à họ sai (tôi chỉ nói họ sai mà không giải tích), sau đó có 2 người đã xin lỗi tôi và nói vì họ quên, trong đó có 1 người vợ dẫn ông chồng trở lại gặp tôi xin lỗi vì chính bà nuôi ổng vào thời điểm đó, đến ngày 1/5/75 bà vẫn còn nuôi chồng ở tại BV đó.
Nói ra điều này là tôi muốn nói với những kẻ xuyên tạc hóng hớt a dua quơ đũa cho là "ngày 30/4 tất cả QLVNCH tuột quần bỏ chạy". Tại Cần Thơ mãi đến ngày 2/5/1975 vẫn còn quân nhân mặc đồ lính đi xe Jeep ngoài đường...


Mùa hè đỏ lửa tôi có mặt trong toán tiếp ứng tại Bộ chỉ huy 1 Tiếp vận (Đà Nẳng)


 
Nhớ lại những kỷ niệm hơi vui:
- Năm 1970, lúc đó anh hai tôi là pilot phi đoàn 520 (ở Cần Thơ) PĐ 520 là một trong những phi đoàn khu trục phản lực đầu tiên của KLVNCH, ba tôi làm tại Kiên Giang lúc trước mỗi khi về nhà thì đi với cận vệ cùng đi với tài xế lái đi, nhưng đường đi rất nguy hiểm vì vậy anh tôi thường hay nhờ bạn bên trực thăng đón ba tôi, nghĩa là tài xế lái xe đi trước và chờ đón ba tại phi trường Vĩnh Long, lúc đó phi trường nằm trong bộ tư lệnh sư đoàn 9 do Chuẩn tướng Trần Bá Di làm tư lệnh. Nhớ có lần tôi cùng tài xế ngồi chờ trên xe, khi trực thăng đáp, vừa thấy ba bước xuống chưa rời khỏi thì một chiếc trực thăng nữa đáp xuống và Tướng tư lệnh SĐ 9 bước xuống với các sĩ quan tùy tùng, Tướng Di nhìn sang chiếc trực thăng thấy ba tôi ông vội bước ngay đến và đoàn tùy tùng chạy theo, khi chưa đến nơi ông Tướng (mang sao) đã đưa tay chào trước ông Tá (mang mai) và nói lớn với ba tôi “Chào anh hai”, rồi ông Tướng quay qua nói với các sĩ quan tùy tùng “đây là người đã gắn cấp bậc Đại úy tại mặt trận cho tôi đó”. Nhớ vào khoảng năm 1990 một số sĩ quan cao cấp đã lần lượt được tha về đang chờ đi diện HO nên đối với người chế cũ lúc đó có phần dễ thở, các ông lớn thường được các thuộc cấp cũ mời đến nhà thăm hỏi hàn huyên, có lần được ngồi cùng chiếu với Đại tá Lâm Chánh Ngôn, lúc đầu ông không biết và không nhận ra thằng oắt con này là ai, đến khi có người giới thiệu là con Đại Tá Nên thì ông quay qua hỏi thăm niềm nở… thấy vậy tôi mạo muội hỏi thăm không biết ngày trước Bác Ngôn với ba tôi quen biết ra sao, ông trả lời “lúc tụi tao mới ra trường thiếu úy lon ton thì ba mày đã làm Tiểu đoàn trưởng hét ra lửa”…
Ba tôi có biệt hiệu “Đại úy muôn năm” vì ông mang cấp bậc Đại úy 13 năm từ năm 1952 đến năm 1965.
Mộ của ba tôi


Thật ra chúng tôi chỉ biết ba học khóa 1 chứ không biết tên khóa, nhưng Đại Tá Luôn bảo ghi lên mộ bia “Sĩ quan khóa 1 Phan Bội Châu – Huế”

Những chuyện không vui:
Theo lời quý Cha DCCT khuyến cáo những chuyện không vui trong Chương trình Tri Ân TPB VNCH không nên thố lộ ra vì nó sẽ trở thành đề tài cho bọn DLV với bọn GATO xuyên tạc đánh phá, chính vì vậy tôi sẽ cố gắng hết sức có thể, chỉ đưa ra một số ít chuyện tiêu biểu vắn tắt nghĩ sẽ không ảnh hưởng…
- Về sự hiểu lầm kiểu như vị Thiếu tá BCH 3 TV là chỉ huy cũ của tôi lầm tưởng chương trình Tri Ân TPB VNCH là chương trình giúp cho cựu quân nhân VNCH, có nhiều người lầm như vậy, thậm chí có người còn đem hồ sơ tử sĩ VNCH đến đòi lãnh tiền.
- Riêng về một vài trường hợp phát hiện TPB giả hoặc khai mất hết giấy tờ để tường trình gian hoặc dùng bản photocopy cạo sửa hoặc dùng giấy tờ cũ của TPB VNCH đã chết hoặc chỉ dùng giấy tờ hoặc hình ảnh đi lính cũ làm bằng chứng mà giấu đi những giấy tờ không phải là TPB hoặc dùng giấy tờ của người khác mạo nhận… đây là những việc rất tế nhị, khi biết được tôi chỉ báo cáo rồi âm thầm thông báo với họ loại bỏ khỏi danh sách TPB và riêng đối với từng trường hợp nhất là người cho bạn mượn giấy photo rồi cạo sửa tôi cảnh cáo ... những trường hợp này nếu công khai sẽ không có lợi vì coi như mình vẽ đường cho hưu chạy hoặc kẻ gian sẽ tìm cách khác qua mặt tinh vi hơn…
Nói thật lòng, tôi không ưa thích những loại người thiếu hiểu biết (thất học) và loại bị bệnh sợ bẩm sinh (hèn nhát) cùng với loại GATO suy bụng ta ra bụng người, trong đầu óc chỉ biết có tiền nên nghĩ ai cũng vì tiền như họ, nhưng mới đây qua tâm sự tôi được nghe lời khuyên và giải thích của Cha Thanh: “những người thất học, hèn nhát đó chính là những người cần chúng ta giúp đở, vì họ nghèo khó nên mới thất học, và từ thất học nên mới sinh ra hèn nhát”.

Và cuối cùng là những chuyện có thể gọi là buồn:
Xin chỉ đưa hình ảnh, miễn diễn giải.
Ai muốn suy diễn, suy luận thế nào là tùy ý của mỗi người.