Saturday, December 21, 2013

Video: An ninh SG đánh người tại CV 23/9 ngày 8/12/2013






(Danlambao) - Đoạn clip các bạn đang xem là những bằng chứng kinh hoàng về sự dã man của lực lượng côn an - mật vụ được ghi lại hôm 8/12/2013, trong buổi sinh hoạt chào mừng ngày Quốc tế Nhân quyền do Mạng Lưới Blogger Việt Nam tổ chức tại công viên 23/9, Sài Gòn.
Như bản tin đã đưa trên Danlambao, nhà cầm quyền CSVN đã huy động rất đông côn an - mật vụ kéo đến khu vực công viên 23/9 để khủng bố, cướp phá và đánh đập các blogger tham gia phổ biến bản Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền cho người dân. Hai người đã bị an ninh thường phục đánh đập gây thương tích là blogger Châu Văn Thi và Hoàng Dũng, nhiều người khác bị ném mắm tôm...
Đoạn clip trên được ghi lại vào thời điểm khoảng 18:00 tối, lúc mọi người đang ngồi thành vòng tròn để nghe blogger Bùi Thị Nhung (Bé Mập Lai) đọc to nội dung bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền. Khi Blogger Châu Văn Thi đang nghe điện thoại thì bất ngờ một tên mật vụ từ phía sau lao đến hét lớn "ĐM, thằng này dám chụp hình!"đ, rồi hắn tung ra những cú đánh tàn bạo nhắm thẳng vào gáy và đầu Châu Văn Thi.
Mặc dù nạn nhân đã ngã xuống, nhưng tên mật vụ vẫn tiếp tục tung ra đòn cực mạnh nhắm vào mặt Châu Văn Thi. Khi mọi người vội xông vào can thiệp, hắn vẫn tiếp tục tỏ ra hung hăng côn đồ. Một số viên an ninh khác cũng lập tức chạy đến xô đẩy nhằm can thiệp cho đồng bọn.
Sau đó, blogger Hoàng Dũng đến trước mặt tên mật vụ này để nói chuyện phải quấy, đồng thời yêu cầu hắn chấm dứt những hành vi bạo lực. Vừa dứt lời thì Hoàng Dũng tiếp tục bị tên này đánh ngã, cánh tay đập xuống nền gạch chảy máu.
Trước đó, khi mọi người đang phát bong bóng và Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền, chính tên mật vụ này là kẻ đã xông đến đánh mạnh vào mặt Châu Văn Thi. Cú đánh mạnh trúng vào ngay giữa mặt khiến mắt kính của Thi đang đeo bị gãy nát.
Châu Văn Thi từng bị một tai nạn đáng ngờ khi đến Long An tham dự phiên tòa vụ án Đinh Nhật Uy, vụ tai nạn đã khiến anh bị chấn thương nghiêm trọng ở đầu, hiện vẫn còn nhiều vết tụ máu bầm chưa khỏi. Vì thế, những cú đánh của tên mật vụ nhằm thẳng những vết thương chưa lành đã khiến Thi vô cùng đau đớn sau đó.
Sau ít phút hỗn loạn, tất cả mọi người tiếp tục ngồi lại thành vòng tròn, bất chấp những hành vi khủng bố, đánh người tàn bạo của lực lượng côn an, mật vụ.
"Tất cả ngồi xuống, chúng ta chấp nhận đương đầu bạo lực", những lời kêu gọi thét lên, các blogger can đảm vẫn tiếp tục buổi sinh hoạt chào mừng ngày Quốc tế Nhân quyền, xung quanh vẫn đầy rẫy hiểm nguy và bạo lực.
Chưa đầy một tuần sau, ngày 13/12/2013, blogger Châu Văn Thi cùng bạn gái là Nguyễn Thảo Chi đã bị lực lượng biên phòng cửa khẩu Mộc Bài (Tây Ninh) cấm xuất cảnh. Mạng Lưới Blogger Việt Nam cho biết, mục đích chuyến đi của hai bạn là sang một số nước Đông Nam Á để vận động một số cơ quan quốc tế về nhân quyền hỗ trợ phát triển tình trạng nhân quyền tại Việt Nam.
Tại thời điểm ấy, những vết thương trên người Châu Văn Thi vẫn còn chưa khỏi, bảnthân anh và gia đình vẫn liên tục bị côn an khủng bố, đe dọa.

Danlambao

Đoạn video công an toa rập với an ninh đánh đập người dân ngày 10/12/2013:

http://www.youtube.com/watch?v=4ksFPVBIp8w
 


Monday, December 16, 2013

Lần thăm Kha đầu tiên - Trại giam K3, Xuyên Mộc



Trại giam K3, Xuyên Mộc – Bà Rịa – Vũng Tàu – Lần thăm Kha đầu tiên.




13/12/2013. Tôi lên trại tạm giam công an Tỉnh Long An thì nhận được tin báo rằng Đinh Nguyên Kha đã chuyển đi đến trại giam Bộ Công An tại Xuyên Mộc - Bà Rịa - Vũng Tàu vào ngày 11/12/2013. Gia đình tôi không nhận them bất kỳ một thông báo nào khác từ Kha hay từ nhà giam. Tôi chỉ biết hỏi thăm những gia đình tù nhân khác để có thêm chi tiết trang bị cho chuyến đi Xuyên Mộc vài ngày sắp tới.

15/12/2013. Tối, tôi và chị đã chuẩn bị đầy đủ mọi thứ cần thiết cho chuyến thăm nuôi đầu tiên tại khu trại giam xa xôi , hẻo lánh. Bản đồ từ dẫn đường từ google được in ra giấy. Hai chị em nhìn nhau như muốn nói: “đường đi chua lét”.

16/12/2013. 5h sáng chúng tôi khởi hành bằng xe máy. Trời âm u, gió lạnh cóng cả đôi bàn tay. Phóng xe trên quảng đường dài nhưng không mệt mõi. Vì tâm trạng bồn chồn, nôn nao muốn gặp lại người em đang đơn độc ở nơi xa xăm khắc nghiệt. Rừng cao su nối tiếp trùng trùng bao bọc lấy con đường nhựa hẹp teo loang lỗ bùn lầy. Mưa lất phất, mây xám dầy đặc làm không gian thêm ảm đạm.

Vì không biết Kha bị đưa đến phân khu nào thuộc trại giam Xuyên Mộc, nên tôi đành phải đi hỏi và nhờ xác minh từng phân khu. Chạy dọc theo tỉnh lộ 764 đến Sông Ray, tôi đến một phân khu nằm men theo con lộ. Tôi vào hỏi thăm để xác minh thì họ bảo rằng không có ai tên Đinh Nguyên Kha cả. Họ hướng dẫn tôi đi tiếp đến khu K1 để biết thông tin.

Tiếp tục theo tỉnh lộ 764 rồi đến tỉnh lộ 328, tôi đến được phân khu K1 trại giam Xuyên Mộc. Làm thủ tục tại phòng bảo vệ, tôi được hướng dẫn đi bộ vào sâu bên trong hơn 300m đến nhà thăm gặp. Tại đây, tôi tiếp tục hỏi thăm về tù nhân chính trị Đinh Nguyên Kha. Một cán bộ trại giam già trả lời rằng: ”Ở đây không nhốt tù chính trị, lên khu K3 hỏi đi”. Tôi đi ngược ra cổng bảo vệ và nhờ anh này hướng dẫn đường lên phân khu K3.Theo tỉnh lộ 328, cách khu K1 khoảng 5km, tôi tìm gặp khu K3. Rẽ vào con đường nhỏ ngoằng nghèo, đi thêm 3km nữa, tôi đến được khu K3.

10h30. Khu trại K3 hẻo lánh, nằm giữa rừng cao su bạt ngàn, lạnh ngắt. Phòng thăm nuôi vắng tanh, đếm được khoảng 5 người. Chị tôi đi vào bàn làm thủ tục gặp mặt. Một cán bộ nữ cau có đòi hỏi thăm nuôi phải có “sổ thăm nuôi” thì mới làm được thủ tục. Nhưng chúng tôi chỉ mới đi lần đầu tiên thì làm gì có sổ. Tranh luật một ít phút, một anh cán bộ trung úy trẻ đến giải quyết và hướng dẫn chúng tôi ra nghế đá ngồi chờ. Khoảng 10 phút sau, anh này đề nghị chúng tôi giao chứng minh thư để làm thủ tục. Làm thủ tục xong, khoảng 5 phút sau, Kha được dẫn ra, trên người khoác nguyên bộ đồ “tút”. Ba chị em gặp nhau hớn hở, Kha cười nhe răng khoe cả lợi. (“Tút” :Đồ phạm nhân sọc trắng đen – trong trại giam, chúng tôi hay gọi vui bộ đồ này theo đồng phục đội bóng Juvetut – và chỉ những người tù đang thi hành án).

Phòng thăm gặp rộng khoảng 40m vuông, ba dãy bàn kê sát vào nhau, người tù và người nhà ngồi đối diện, tay có thể trao tay. Dưới sự giám sát của 3 cán bộ trại giam, chúng tôi trò chuyện thân mật, vui vẽ, bình thường.
- Sao em trai, chuyển lên hồi nào mà không lời từ giã vậy?
- Họ chuyển em đi lúc 3h sang ngày 11/12/2013. Em có nhờ cán bộ nhắn dùm gia đình mình là em chuyển đi Xuyên Mộc. Không ai nhắn lại cho anh hả?
- Không, anh chẳng nhận được tin gì cả, ngày 13/12/2013 anh lên thăm em mới biết em chuyển lên đây. Lần mò đã mới biết em ở nơi này.
- Ở đây, tình hình ăn ở và sinh hoạt như thế nào?
- Sức khỏe em tốt, tự tập thể dục đều đặn nên không bị béo phì. Em bị nhốt chung với anh Cường ( Nguyễn Ngọc Cường). Phòng giam cách ly, chỉ có 2 anh em ở chung. Còn anh Thức (Trần Huỳnh Duy Thức) thì bị nhốt 1 mình. Ở đây, anh Thức bị coi là nguy hiểm nhất đó (Kha cười).
- Sao em biết các anh đó vậy?
- Mỗi sáng, các anh em khu giam cách ly được ra phơi nắng. Em nhìn thấy được các anh ở phòng xung quanh. Anh Cường và các anh nơi đây dạy em rất nhiều điều hay và em học hỏi được rất nhiều từ họ.
- Vậy ở đây có khoảng bao nhiêu tù chính trị mà em biết?
- Dạ khoảng hơn 10 người. Anh Trí, anh Hùng, anh Tuấn và nhiều anh khác nữa. Khu giam cách ly này, họ nhốt riêng tù chính trị.
- Em không thắc mắc rằng hôm nay đi thăm nuôi mà không có Mẹ?
- Em biết Mẹ và bác Huỳnh đi Mỹ vận động nhân quyền nên em không hỏi. Thông tin trong này em cũng “update” liên tục thong qua các anh lân cận. Không bị lỗi thời đâu.
- Vậy thì hiện giờ em suy nghĩ như thế nào về trường hợp của mình và các anh em tù chính trị khác.
- Anh Cường và anh Thức đã dạy cho em biết phải cứng cõi và luôn đặt niềm tin vào sự tiến triển dân chủ của Việt Nam hiện tại. Em và các anh không sợ ngồi tù đâu, vì nó sẽ kết thúc sớm trong nay mai. (Kha cười).

Chị tôi kể về những khó khan vấp phải trong suốt thời gian mà cả hai anh em tôi đều phải “nhập kho”. Rồi kể về những niềm vui, lòng tự hào về anh em tranh đấu. Chị tôi và Kha nói về cuộc sống gia đình, trao đổi về vấn đề gửi nhận đồ thăm nuôi. Đến đây Kha chợt nhớ gì đó và ngắt lời. Kha nhờ cán bộ trại giam đưa cho tôi một bao màu trắng chứa đồ của Kha:
- Đồ này bị trả về gia đình, ở đây họ không cho sử dụng những thứ này.
- Sao sách dạy kỹ thuật, tạp chí, tự học anh văn và bộ luật hình sự mà trả lại?
- Ở trại này không cho đọc sách và không cho gửi sách vào nữa. Cả lá thư cháu My gửi vào họ cũng trả lại luôn, mấy tấm hình nữa . Không hiểu sao nữa, tại sao trại Long An cho mà ở đây không cho? Cũng là trại của Bộ Công An hết mà, không lẽ có một thế lực nào khác ngăn cấm ha? Anh phải liên lạc cục quản lý phạm nhân giúp em, yêu cầu có văn bản trả lời nhé. Em đang thắc mắc và bực bội lắm.
- Cái gì cũng vậy, phải qua một thời gian dài tranh đấu mới đạt được kết quả. Anh sẽ làm rõ vấn đề này.
Đến đây, cán bộ trại giam giao cho tôi bao đồ của Kha, và Kha ký biên bản giao nhận. Thời gian thăm nuôi cũng đã hết. Khoảng 30p, tôi biết được em trai của mình đã tiến bộ lên rất nhiều. Hãnh diện về em.
Chúng tôi chia tay và gửi lời thăm sức khỏe đến các anh. Hẹn gặp lại.


Tuesday, December 10, 2013

Ký: Cuộc truy đuổi (Nguyễn Phương Uyên)


VRNs (10.12.2013) – Bình Thuận – “Mắt trái giật, một tín hiệu bất thường không may mà tôi tiên đoán…”

Tôi chính thức bắt đầu vào đời từ năm trước khi rời quê hương, rời xã hội để đến với môi trường nhà tù ở tuổi 20. Ngày rời tù tôi hoan hỉ vì chút tự do cho người yêu tổ quốc. Tôi quyết định viếng thăm những vùng đất tổ dâng lời cầu nguyện. Từ những phút đầu tiên trong hành trình này tôi đã nhóm thấy có một thế lực nào đó đang rình rập theo từng bước chuyển của tôi, và dường như khi quá ức chế họ đã đối xử với tôi cùng mọi người như những con chó săn khát máu. Hành động của họ cốt để dằn mặt, áp đảo tinh thần chúng tôi để chúng tôi phải e dè.


 
Tối 24/09/2013 chúng đến nhà khách (nơi chúng tôi trọ) sách nhiễu đòi kiểm tra chứng minh thư, để tránh việc chúng thu giữ chứng minh thư gây khó khăn trong việc đi lại của tôi, mọi người đã sắp xếp cho tôi sang ở nhà blogger Nguyễn Tường Thụy, trong lúc bắt taxi tôi thấy rõ nhiều tên áo đen quần quanh khu vực tôi đứng. Tưởng chừng mọi việc sẽ được ổn thoải với chuyến bay lúc 21h00” ngày 25/09/2013 sẽ đưa chúng tôi trở lại Sài Gòn, nhưng rồi mọi chuyện hoàn toàn khác. Khoảng 19h00” tối hôm đó, khi chú Phạm Bá Hải, bác Dương Thị Tân, mẹ tôi Nguyễn Thị Nhung, chú Lê Quốc Quyết và một vài người khác cùng tôi đang ở trong nhà blogger Nguyễn Tường Thụy thì công an đã đập cửa và xông vào bắt mọi người đi.

Trước đó, vì sự an toàn của tôi, mọi người đã yêu cầu tôi lên phòng chốt cửa lại. Tại đây tôi đã vào facebook kêu cứu mọi người và chỉ còn nghe bên dưới nhà những tiếng va đập thật mạnh cùng tiếng la hét phản kháng xáo trộn. Rất nhanh sau đó họ cũng phá cửa và lôi tôi xuống dưới nhà cùng mẹ, giầy tôi trượt khỏi chân. Họ bắt đầu hỏi nhưng chẳng câu nào ra câu nào trong khi chân tay tôi luôn bị họ khống chế và bóp chặc.

Với thái độ như thế của họ tôi bất hợp tác: “Các ông muốn gì?”

Tôi hét lớn, một tên đàn ông to tướng mặc áo sơ mi màu kem bỏ vào quần, tay có đeo đồng hồ bằng dây sắt táng nhanh vào mặt tôi liên hồi và lên tiếng: “Lôi nó đi !”

Ngay tức khắc cả bọn tứ mã phanh thây tôi và rinh tôi tống vào hàng xe ở băng ghế trước bằng những cú đạp mạnh và cơ thể, những cái bạt tai liên hồi không ngớt của gã đàn ông đó rồi hắn lôi tôi ra tống vào băng ghế sau với một người đàn bà to con tóc tém mặc áo Jean mang đôi giầy bít màu xanh nhớt.

Những cái tát của gã đàn ông đó có lực hơn và gọng kính tôi rơi ra… Tôi hoang mang… Người đàn bà ấy kẹp cứng cổ vật tôi ngã ra phía sau. Tiếp đến mẹ tôi cũng bị tống vào trong xe cùng tôi, tôi rơi nước mắt nắm chặc tay Mẹ, lo lắng cho Mẹ.

Họ đưa chúng tôi vào một đồn công an, tách tôi ra khỏi Mẹ. Tôi phản đối thì họ tấn đầu tôi vào tường và đe dọa: “Có muốn về Bình Thuận cùng Mẹ nữa hay không?” Sau đó ba bốn người vừa lôi vừa xô đẩy tôi vào một căn phòng. Người đàn bà ấy lấy điện thoại của tôi và tiến hành thẩm vấn, bắt tôi phải viết bản tường trình về hành trình chuyến đi vừa rồi của tôi với nội dung gồm địa điểm đến, người đã từng gặp mặt, và mục đích của cuộc trò chuyện. Ngoài ra bà ta còn hỏi thêm về các mối quan hệ của tôi.

Tôi từ chối viết bản tường trình, tức khắc tôi tiếp tục bị tấn đầu vào tường đe dọa: “Viết đi ! Nếu không thì đợi xe tù đến đưa về lại trại giam”. Tôi: “Tôi bị các người lừa nhiều rồi, tôi không vi phạm điều gì để viết cả, muốn đưa đi đâu tùy”. Tôi nghĩ với nền chuyên chính vô sản họ có thế làm bất kỳ điều gì họ muốn mà không bận tâm quốc tế nghĩ gì về họ. Tôi sẵn sàng đợi họ đưa tôi về lại nhà tù cộng sản…

Bỗng nhiên họ đưa vào một ông tuổi khoảng trên dưới 50 ăn mặc bảnh bao với áo sơ mi màu xanh xám bỏ vào quần. Người đàn bà ấy lên tiếng: “Cô xin giới thiệu với con bác này bên Bộ giáo dục xuống làm việc với con”. Vì ông này từ chối để lại tên tuổi nên phần thông tin cá nhân của ông được giấu nhẹm đi.


Sinh viên Nguyễn Phương Uyên đứng trước cổng trường Đại học, nơi mới đuổi học cô

Ông hỏi việc học hành của tôi. Tôi đáp: “Mặc dù đã làm theo yêu cầu của nhà trường và khóa học mới cũng đã bắt đầu nhưng tôi vẫn chưa thấy hồi đáp từ họ”. Bấy nhiêu thôi rồi ông ta bỏ đi không nói một câu. Tôi tiếp tục chờ đợi xe tù đến…

Một viên cảnh sát mặc sát phục bước vào phòng vứt mạnh lên bàn một tập giấy khổ A4 nói:“Chị ký tên vào đây!” Tôi: “Đây là cái gì thế?” Viên cảnh sát: “Chị có biết chị đang vi phạm pháp luật không? Chị có biết chị bị án treo không mà chị đi khỏi địa phương không thông báo gì hết ?”

Tôi: “Tôi không vi phạm điều gì cả, chủ tọa phiên tòa phúc thẩm của tôi đã giải thích rằng tôi không cần phải đi trình diện cơ quan nào hết, khi nào có quyết định thi hành án người ta sẽ gửi giấy mời, và sau đó ra làm việc đồng thời trình diện. Vậy anh đưa tôi xem cái quyết định”.

Anh ta nhanh tay giật lại và vội vã gọi một người vào ký tên phần người làm chứng. Tôi hỏi: “Cái anh người làm chứng này là ai, công an hay người dân?” Viên cảnh sát: “Công an”. Tôi: “Vậy hóa ra lậy ông tôi ở bụi này hả?” Viên cảnh sát: “Chị không cần quan tâm”. Rồi anh ta nghiễm nhiên bước ra khỏi phòng nhanh chóng mất hút.

Gần 21 giờ thì xe đến, nhưng không phải xe tù mà là một chiếc ôtô 7 chỗ. Họ gọi tôi: “Đi thôi”. Tôi hỏi một người đàn ông mặc áo sơ mi xám xanh bỏ ngoài quần dáng cao nhỏm và ốm: “Ủa, sao nói chờ xe tù đến đưa về lại trại giam mà?” Người đàn ông: “Ai nói đưa lại trại giam?” Tôi chỉ tay về hướng người đàn bà: “Cô đó”. Người đàn ông nhoẻn miệng cười trừ không đáp, mở cửa xe chuôi vô nghe điện thoại.

Sau khi hỏi, Mẹ được biết họ đưa hai mẹ con tôi đến sân bay Nội Bài, ép buộc chúng tôi trở về Bình Thuận ngay lập tức trong khi hành lý của chúng tôi còn ở nhà bogger Nguyễn Tường Thụy.

Mọi người trong xe đều bận rộn với chiếc điện thoại của mình trừ hai mẹ con tôi, có người xin chỉ đạo, có người gọi về nhà bình thản sau việc trấn áp tôi cùng mọi người vừa rồi.

Người đàn bà: “Con về rồi hả, mở nước nóng tí mẹ về tắm nha…”.

Mẹ tôi xĩu ngay sao đó vì chưa ăn uống gì cả. Nhưng họ nhẫn tâm tống hai Mẹ con tôi lên máy bay trong lúc trời mưa và gió rất mạnh quần áo tôi xộc sệt, tóc tai rối bời và chân không một chiếc dép, tình thế như vậy khiến tôi quyết định hủy chuyến bay. Làm thủ tục với anh Trần Quốc Hoàn là ca trưởng đại diện cho hãng Jetstar Pacific Airlines xác nhận việc khách đã làm xong thủ tục và đã boarding chuyến bay xuống xe bus chuẩn bị lên máy bay thì bị ngất xĩu với phương án giải quyết tại sân bay hỗ trợ đón khách vào phòng chờ, gọi y tế hàng không hỗ trợ và lập biên bản ghi lại sự việc.

Một viên an ninh hàng không tên Nguyễn Đình Trung mượn giấy chứng minh thư của tôi cùng mẹ tôi với lý do làm thủ tục hỗ trợ cho chuyến bay khác nhưng rất lâu sau đó tôi yêu cầu trả lại thì trốn mất.

Lúc 24 giờ mọi người gồm bác Tân, chú Hải, chú Quyết, bác Thiện Nhân đến ứng cứu cho hai mẹ con tôi, thì bị an ninh hàng không chận lại không cho vào. Bên trong tôi cũng bị cấm không cho gặp mọi người nói chuyện. Họ yêu cầu tách hai mẹ con tôi ra. Tôi phản đối. An ninh mặc sác phục lẫn thường phục bỗng đâu xuất hiện lũ lượt khoảng hai mươi mấy tên và đông dần lên khoảng bốn mươi mấy. Tôi dìu mẹ đứng dậy thì một tên mặc áo thun đen bỏ vào quần, mắt một mí đảo liên hồi chạy lại cố tình đưa tay vào người xô hai mẹ con tôi ngã xỗng xoài ra nền gạch. Tôi tiếp tục dìu mẹ đứng dạy, hắn lập lại hành động ấy bằng cách đưa tay vào ngực tôi lần thứ hai. Lần này tôi không nhịn được vì cơ thể bị xâm phạm hai lần thì không thể là vô ý. Tôi hét vào mặt hắn: “Ông làm cái gì đấy? Sao lại xàm sở tôi?” Hắn quay đi bỏ ra phía sau. Tôi để mẹ nằm lên  băng ghế toan bỏ chạy, thì hắn và một đám đuổi theo chụp tôi lại, vật tôi ngã và lôi tôi đi trong phản kháng…(video).

Tôi liên tiếp yêu cầu cho tôi làm việc với người có trách nhiệm giải quyết, nhưng không thấy ai đáp trả. Rất lâu sau khoảng 4 giờ sáng ngày 26/09/2013 một nhóm khoảng 4 người xuất hiện trong đó có người đàn bà lúc tối, nhưng thay vì mặc áo jean bà ta đã khoác lên chiếc áo vàng đeo kính râm non giang hồ và đáng sợ hơn. Mẹ tôi lúc đấy cũng đã tỉnh lại. Khi mẹ đi vệ sinh thì nhóm này đã khống chế và tước đoạt túi đeo của mẹ trong đó có nhiều giấy tờ tùy thân và nhiều vật dụng đáng giá khác mà không có một văn bản kê khai hay một giấy tờ thu giữ nào.

Tôi cho rằng đây là hành động trấn lột, khi mẹ tôi bật điện thoại thì người đàn bà ấy nhanh chóng nhào đến bẻ tay mẹ ra sau và ghì chặt cổ mẹ bắt phải giao nộp nốt điện thoại. Đồng thời đề nghị chúng tôi không được nhắn tin và nghe điện thoại. Mẹ tôi phản kháng thì bị liên tiếp mấy tên đàn ông mặc thường phục nhào tới bẻ tay lôi đi. Tôi kéo mẹ lại hét lớn:”Mẹ tôi có đầy đủ quyền tự do của công dân, các ông thả mẹ tôi ra ngay”.

Sau đó, tôi liên tục yêu cầu trao trả giấy chứng minh thư cho hai mẹ con tôi nhưng chỉ có im lặng trả lời. 6 giờ sáng ngày 26/09/2013 họ áp giải chúng tôi lên máy bay Airbus của Vietnam Airlines và xuống sân bay Tân Sơn Nhất đều bằng lối riêng, rất nhiều người đưa mắt tò mò về phía tôi e dè ái ngại. Họ tiếp tục áp giải hai mẹ con tôi như tội phạm bằng lối riêng, đưa lên ôtô 7 chỗ và kè sát bằng hai người ngồi cạnh. Trên xe tổng cộng có 6 người, 3 người đàn ông, 2 người ngồi băng trước, 1 người đàn ông ngồi băng sau cùng 1 người phụ nữ kè chặc chúng tôi trên cùng một băng ghế sau (băng ghế cuối 4 người ngồi). Người đàn bà áo vàng ấy giao túi đeo của mẹ tôi cho một tên mặc áo đỏ, một người đàn ông cũng đưa chứng minh thư của hai mẹ con tôi cho anh này. Xe chạy… Tôi hỏi: “Mấy anh chị đưa chúng tôi đi đâu vậy?” Người phụ nữ trả lời bằng một tiếng: “Hứ!” và im bặt.

Khoảng hơn 13 giờ trưa cùng ngày, họ đưa hai mẹ con tôi về đến Ủy Ban Nhân Dân xã Hàm Trí. Tại hội trường của xã có mặt khoảng chừng trên dưới 300 người, họ thực hiện việc trao quyết định thi hành án tù treo cho tôi và trao trả túi đeo cho mẹ tôi, nhưng thay vì thái độ ôn hòa thì họ trở nên khích bác chúng tôi. Mẹ tôi từ chối nhận lại túi vì nhiều lí do chính đáng. Tôi yêu cầu họ trao trả giấy tờ tùy thân là chứng minh thư cho tôi cũng mẹ thì họ không giải quyết. Trong khi mọi việc còn chưa giải quyết ổn thoải họ đã thông báo yêu cầu bà con địa phương giải tán.
NGUYỄN PHƯƠNG UYÊN

Sunday, December 08, 2013

Blogger Sài Gòn chào mừng ngày Quốc Tế Nhân Quyền


Là một việc làm hợp pháp nên "Mạng lưới blogger Việt Nam" đã công khai thông báo địa điểm cùng thời gian và chuẩn bị từ trước, chiều nay, 8/12 tại Công viên 23/9 ngay vòng xoay công trường Quách Thị Trang (dưới chân tượng Trần Nguyên Hãn thả chim bồ câu - trước chợ Bến Thành), từ 17g các thành viên phía Nam của Mạng Lưới Blogger Việt Nam đã bắt đầu chương trình kỷ niệm ngày Quốc tế nhân Quyền của Liên Hiệp Quốc 10/12 và chào mừng Việt Nam trở thành thành viên của hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014 – 2016 bằng việc chiều chúa nhật ra công viên tặng bong bóng QUYỀN CON NGƯỜI cho các em thiếu nhi và phân phát các tài liệu về nhân quyền cùng với việc trao đổi thảo luận tìm hiểu về nhân quyền.


Mặc dù không thấy rào chắn hay dụng cụ gì gọi là để ngăn cấm nhưng chung quanh khu vực Công viên 23/9 xuất hiện rất nhiều xe công an chốt chặn cùng các lực lượng sắc phục như công an, cảnh sát, dân phòng và nhất là một lực lượng hùng hậu những côn đồ đàn ông lẫn đàn bà…

Hình ảnh những khoảnh khắc đầu vui vẽ



Hot girl với chùm bong bóng Nhân Quyền

Bắt đầu từ 17g từ các hướng các blogger lần lượt xuất hiện tiến về công viên 23/9, trong số đó có Nguyễn Hoàng Vi (An Đổ Nguyễn), Nguyễn Thảo Chi (Mss Sapphire), Phạm Lê Vương Các (Cùi Các), Lê Doãn Cường (Cuong ledoan), Hoàng Dũng Cdvn, Bùi Thị Minh Hằng cùng 2 bloggger đến từ Vũng Tàu, nhà báo Phạm Chí Dũng, Nguyễn Thị Yến Trang (Mí Rưỡi), Văn Ngọc Trà, Vinh Lê, Bùi Thị Nhung (Bé Map Lai), Phạm Bá Hải... cùng các em Sinh viên và một số bạn trẻ đã tìm hiểu xin được tham gia từ trước … Các Blogger mặc áo biểu tượng của Mạng Lưới Blogger Việt Nam:
- phía trước logo hình chữ V và chữ N cách điệu dính lại thành chữ W với hình cây viết đứng đầu và hàng chữ Mạng Lưới BLOGGER.
- phía sau 2 dòng chữ: MLBVN và Network of Vietnamese BLOGGERS cùng với áo QUYỀN CON NGƯỜI.

Logo biểu tượng MLBVN

Logo biểu tượng QUYỀN CON NGƯỜI

Hàng trăm người lớn và trẻ em đã vui vẻ tham dự cùng những blogger trẻ tuổi này. Khi phát các bong bóng QUYỀN CON NGƯỜI cho ác em thiếu nhi thì một số “người lớn” đến xin giành lấy bóp, châm bể, tiếp đến lại giật các tài liệu trên tay các Blogger đang phân phát, trong đó có giấy A4 lẫn sổ tay nhỏ rồi xé xả rác xuống tại chổ, Blogger Hoàng Dũng đã lên tiếng nhắc nhở về hành vi nêu gương xấu trước mắt trẻ em như thế này là không được … 



Mọi người lớn và trẻ em đều vui vẻ phấn khởi


Và rồi thời gian sau côn đồ trà trộn đấm vào mặt Blogger Châu Văn Thi (Yeu NuocViet) làm gảy bể cả kính cận, Hoàng Dũng bị trầy xước tay, tiếp theo là côn đồ nữ bày trò “chơi dơ” chưa từng thấy với hành vi quăng các bịt mắm tôm vào mọi người... sau gần 1g đồng hồ không thể chịu đựng trò dơ bẩn này mọi người lên xe buýt bỏ đi về sớm, bọn chúng vừa hấp tấp chạy theo vừa gọi điện thoại hỏi xin lệnh phải làm thế nào “có theo lên xe buýt không? Rồi xe honda của em thì sao?”…

Một số hình ảnh chiến tích hậu Nhân Quyền :
 Dấu ấn bị đánh vì Nhân Quyền 

Hậu Quả Nhân Quyền: Mắm tôm từ tóc xuống đến áo

Dù mắm tôm từ đầu xuống áo nhưng tay vẫn giử chặt quyển Tuyên Ngôn Quốc tế Nhân Quyền 

Một số ý kiến và kết luận từ buổi dã ngoại nhân quyền hôm nay: