Monday, May 27, 2013

CẨM NANG PHÁP LUẬT PHỔ THÔNG


Nghiêm cấm việc tùy tiện tạm giữ người mà không có quyết định bằng văn bản
Trích nội dung THÔNG TƯ SỐ 26/2007/TT-BCA:
Ngày 15 tháng 11 năm 2007 Bộ Công an ban hành Thông tư số 26/2007/TT-BCA về việc hướng dẫn thi hành một số điều của Quy chế tạm giữ người theo thủ tục hành chính (ban hành kèm theo Nghị định số 162/2004/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2004).
Theo qui định tại thông tư số 26 do Bộ Công an ban hành, thời hạn tạm giữ người theo thủ tục hành chính không được quá 12 giờ, kể từ thời điểm bắt đầu giữ người vi phạm. Trong trường hợp cần thiết, thời hạn tạm giữ có thể kéo dài hơn nhưng không quá 24 giờ.
Đối với người vi phạm qui chế biên giới hoặc vi phạm hành chính ở vùng rừng núi xa xôi, hẻo lánh, hải đảo thì thời hạn này có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 48 giờ. Việc kéo dài thời hạn tạm giữ chỉ được áp dụng trong trường hợp cần phải có thêm thời gian làm rõ lai lịch, thân nhân người vi phạm và những tình tiết quan trọng, phức tạp liên quan.
Khi chưa hết thời hạn ghi trong quyết định tạm giữ, nhưng đã điều tra, xác minh làm rõ, có đủ cơ sở kết luận và xử lý xong hành vi vi phạm, thì người ra quyết định tạm giữ phải ra quyết định chấm dứt ngay việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính. Khi có căn cứ cho rằng hành vi vi phạm pháp luật của người bị tạm giữ có dấu hiệu tội phạm, thì người ra quyết định tạm giữ phải chuyển ngay hồ sơ và người bị tạm giữ kèm theo tang vật, phương tiện vi phạm (nếu có) cho cơ quan tiến hành tố tụng hình sự có thẩm quyền để giải quyết.
Trong mọi trường hợp, việc tạm giữ người theo thủ tục hành chính đều phải có quyết định bằng văn bản của người có thẩm quyền. Nghiêm cấm việc tùy tiện tạm giữ người mà không có quyết định bằng văn bản.

 oooOooo
Hiến pháp Việt Nam (mới) năm 2013
Chương II: QUYỀN CON NGƯỜI, Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân

Điều 20

1. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nàokhác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.
2. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt, giam giữ người do luật định.
3. Mọi người có quyền hiến mô, bộ phận cơ thể người và hiến xác theo quy định của luật. Việc thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất kỳ hình thức thử nghiệm nào khác trên cơ thể người phải có sự đồng ý của người được thử nghiệm.
 
Hiến pháp Việt Nam (cũ) năm 1992
Chương V: Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân
Điều 71:
Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về tính mạng, sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm.
Không ai bị bắt, nếu không có quyết định của Toà án nhân dân, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện kiểm sát nhân dân, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc bắt và giam giữ người phải đúng pháp luật.
Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức, nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân.

oooOooo


GIẤY TRIỆU TẬP ĐƯỢC SỬ DỤNG KHI NÀO?
Một số người cứ nghe nói đến mấy từ “Giấy triệu tập” là hãi. Thật ra, giấy triệu tập chẳng có gì là ghê gớm, đó là một loại Giấy mời được các cơ quan tiến hành tố tụng (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án) sử dụng trong quá trình điều tra vụ án hình sự, và được quy định rõ, chi tiết cụ thể các trường hợp sử dụng trong Bộ Luật Tố Tụng Hình sự. Theo quy định, khi tiến hành hoạt động tố tụng không sử dụng Giấy mời mà chỉ có duy nhất giấy triệu tập.
Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự là văn bản pháp luật duy nhất quy định về việc dùng giấy triệu tập mà hệ thống cơ quan tố tụng phải tuân hành.
Thẩm quyền ký giấy triệu tập:
Theo Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự, Điều tra viên (Điều 35), Kiểm sát viên (Điều 37), Thẩm phán (Điều 39) có thẩm quyền ký giấy triệu tập nhằm mục đích thực hiện các hoạt động điều tra, truy tố, xét xử vụ án hình sự..
Phạm vi nội dung làm việc khi triệu tập:
- Điều tra viên: Có quyền triệu tập để hỏi cung bị can, lấy lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án (Điều 35).
- Kiểm sát viên: Có quyền triệu tập để hỏi cung bị can; lấy lời khai của người làm chứng, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án (Điều 37).
- Thẩm phán: Có quyền triệu tập những người cần xét hỏi đến phiên toà (Điều 39).
Như vậy, quyền triệu tập đương sự của Thẩm phán rộng hơn Điều tra viên và Kiểm sát viên..
Đối tượng triệu tập:
- Bị can: phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát (khoản 3 Điều 49).
- Bị cáo: phải có mặt theo giấy triệu tập của Toà án (khoản 3 Điều 50).
- Người bị hại: là người bị thiệt hại về thể chất, tinh thần, tài sản do tội phạm gây ra. Người bị hại phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án (Điều 51).
- Nguyên đơn dân sự là cá nhân, cơ quan, tổ chức bị thiệt hại do tội phạm gây ra và có đơn yêu cầu bồi thường thiệt hại. Nguyên đơn dân sự phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và trình bày trung thực những tình tiết liên quan đến việc đòi bồi thường thiệt hại (khoản 3 Điều 52);
- Bị đơn dân sự: là cá nhân, cơ quan, tổ chức mà pháp luật quy định phải chịu trách nhiệm bồi thường đối với thiệt hại do hành vi phạm tội gây ra. Bị đơn dân sự phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và trình bày trung thực những tình tiết liên quan đến việc bồi thường thiệt hại. (khoản 3 Điều 53);
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và trình bày trung thực những tình tiết trực tiếp liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của mình. (khoản 2 Điều 54).
- Người làm chứng: Người nào biết được những tình tiết liên quan đến vụ án đều có thể được triệu tập đến làm chứng. Người làm chứng có nghĩa vụ có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án (khoản 4 Điều 55).
Người làm chứng có quyền:
a) Yêu cầu cơ quan triệu tập họ bảo vệ tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, tài sản và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của mình khi tham gia tố tụng;
b) Khiếu nại quyết định, hành vi tố tụng của cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng;
c) Được cơ quan triệu tập thanh toán chi phí đi lại và những chi phí khác theo quy định của pháp luật.
- Người bào chữa: gồm Luật sư; Người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; Bào chữa viên nhân dân (các điểm a, b, c khoản 1 Điều 56) phải có mặt theo giấy triệu tập của Toà án (điểm đ khoản 3 Điều 58).
BLTTHS không quy định Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án có quyền triệu tập người bảo vệ quyền lợi của đương sự không bị triệu tập.
- Người giám định phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án (khoản 3 Điều 60).
- Người phiên dịch phải có mặt theo giấy triệu tập của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án (khoản 2 Điều 61)..
* Đặc biệt, riêng người bảo vệ quyền lợi của đương sự có quyền tham gia tố tụng nhưng cơ quan tố tụng lại không có quyền triệu tập:
Người bảo vệ quyền lợi của đương sự là người được người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án hình sự nhờ bảo vệ quyền lợi cho mình và được Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Toà án chấp nhận. Người bảo vệ quyền lợi của đương sự có thể là: luật sư, bào chữa viên nhân dân hoặc người khác (khoản 1 Điều 59).
Như vậy, công dân chấp hành giấy triệu tập của cơ quan tiến hành tố tụng vừa là thực hiện quyền, vừa là nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật, không có chuyện “được” hay “bị” triệu tập như một số người thường dùng để lòe người thiếu hiểu biết pháp luật..
Xác định tính hợp pháp của người ký giấy triệu tập:
Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự đã quy định rõ phạm vi đối tượng có thể triệu tập, tức công dân phải là một trong những đối tượng có tư cách tham gia tố tụng là: bị hại, bị can, bị cáo, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người làm chứng, người bào chữa, người giám định, người phiên dịch. Không được phép triệu tập khơi khơi để hỏi những chuyện vớ vẩn, linh tinh không liên quan đến một vụ án cụ thể.
Trước đây, Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự quy định chỉ Trưởng, Phó cơ quan tiến hành tố tụng mới có quyền ký giấy triệu tập. Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự sửa đổi, bổ sung ngày 26/11/2003 quy định Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán đều có quyền ký giấy triệu tập.
Vì vậy, để xác định giấy triệu tập được ký hợp pháp, tức người ký nhân danh cơ quan tố tụng triệu tập để làm việc phục vụ công tác điều tra, truy tố, xét xử; chớ không phải nhân danh cá nhân Điều tra viên, Kiểm sát viên, Thẩm phán. Để tránh trường hợp lạm quyền, lấy công hành tư, thì người nhận giấy triệu tập cần đòi hỏi được biết Quyết định khởi tố vụ án Hình sự của cơ quan tiến hành tố tụng.
- Xác định tư cách hợp pháp của người làm việc với người được triệu tập: Ví dụ: Giấy triệu tập do Điều tra viên A ký đóng dấu Cơ quan điều tra nhưng lại ghi gặp và làm việc với Điều tra viên B thì công dân phải yêu cầu ông B xuất trình Giấy chứng nhận Điều tra viên (còn gọi là Thẻ Điều tra viên) hoặc Quyết định bổ nhiệm Điều tra viên (nếu chưa có Thẻ), công dân có quyền từ chối làm việc với người không phải Điều tra viên..
Xác định tư cách tham gia tố tụng của người được triệu tập:
Khi một vụ án hình sự được khởi tố, thì mới xác định được ai là bị hại, ai là bị can, ai là bị cáo, ai là nguyên đơn dân sự, ai là bị đơn dân sự, ai là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, ai là người làm chứng, ai là người bào chữa, ai là người giám định, ai là người phiên dịch.
Người được triệu tập có quyền yêu cầu Điều tra viên cho xem Quyết định khởi tố vụ án Hình sự, thông báo rõ tư cách tham gia tố tụng của mình là gì, giải thích rõ quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng riêng theo từng loại tư cách tham gia, và ghi rõ vào biên bản làm việc. Nếu Điều tra viên không chứng minh được những điểm đó với người được triệu tập làm việc thì người được triệu tập có quyền từ chối làm việc (người dân từ chối làm việc vì công an không hợp tác với người dân làm đúng theo quy định, chứ không phải người dân không hợp tác).
oooOooo

Một đất nước muốn phát triển bền vững không thể không tính đến yếu tố trình độ hiểu biết pháp luật hiện hành của công dân trong nước. Mù luật là cản trở sự phát triển. Đòi hỏi thực hiện những quyền và nghĩa vụ công dân được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận cũng là chung tay xây dựng một Nhà nước pháp quyền để từng bước hòa nhập với cộng đồng thế giới.




No comments: