Thursday, April 23, 2015

Có thể nào dừng lại được không?



Gần 40 năm kể từ cuộc chiến huynh đệ tương tàn chấm dứt. Vào ngày 28/4/2014 lần đầu tiên những người TPB VNCH được tri ân một cách công khai tại nhà thờ DCCT Sài Gòn. Và kể từ đó các buổi khám bệnh tầm soát sức khỏe cho các TPB được tổ chức hàng tháng, đợt đầu tiên vào ngày 26/8/2014, những đợt đầu chỉ với 50 - 70 TPB, và rồi số lượng tăng dần 100 - 120 TPB cho đến ngày 17/4/2015 dự định là đợt thứ 7 với danh sách 152 TPB ở khắp các nơi đã được thông báo hẹn ngày giờ khám bệnh. Và sau mỗi đợt khám bệnh là phát xe lăn, xe lắc, nạng, gậy và mắt kiến cho những TPB có nhu cầu.
Thế nhưng trong đợt thứ 7 này, DCCT đã lên danh sách mời 152 TPB từ khắp nơi chuẩn bị sẳn sàng khám bệnh vào ngày 17/4/2015 do 4 cơ sở đa khoa thiện nguyện đứng ra phụ trách đã gặp trở ngại vào những giờ phút cuối. Nguyên nhân được biết trong bài trả lời phỏng vấn RFA ngày 17/4/2015. Tân Linh mục Giám tỉnh GiuSe Nguyễn Ngọc Bích, người mới thay thế LM Giám tỉnh Phạm Trung Thành cho rằng nhà sách của DCCT là nơi bán sách không nên tổ chức tụ tập đông người gây trở ngại cho việc kinh doanh.
Về việc “nhà sách và kinh doanh”, tôi xin được nói rỏ vì có một số người hiều lầm, thoạt nghe không hiểu vấn đề, có người nghĩ rằng việc tổ chức khám bệnh TPB đã mượn không (chiếm dụng) gây thiệt hại việc kinh doanh của nhà sách (thậm chí có người còn suy diễn đóng cửa phòng CLHB). Ở đây xin được trình bày cụ thể như sau:
Nhà sách của DCCT là khối nhà 3 tầng. Tầng trệt là nơi trưng bày các gian hàng sách và các sản phẩm. Còn 2 tầng trên dùng để phục vụ cho việc hội họp, không phải chỉ cho thuê phòng ốc mà cho thuê toàn bộ các dịch vụ kể cả bàn ghế, sân khấu và phục vụ ăn, uống.
- Tầng 2 chia làm nhiều phòng dành phục vụ các buổi sinh hoạt, họp mặt ít người (vài chục người). và một phòng lớn dùng tổ chức hội họp đông người như tiệc cưới, nơi đây có thiết kế sẳn một sân khấu (tiệc cưới của Huỳnh Thục Vy được tổ chức tại đây).
- Tầng 3 là một không gian rộng thông suốt không vách ngăn, cũng có thiết kế sẳn một sân khấu lớn, nơi này có thể phục vụ đến vài trăm người, đây chính là nơi tổ chức tri ân TPB ngày 12/1/2015.
Riêng các lần tổ chức khám bệnh cho các Thương Phế Binh đều là thuê mướn sòng phẳng, cùng lúc phòng CLHB hợp đồng thuê cả 2 tầng (tầng 2 và tầng 3) bao gồm luôn phần dịch vụ phục vụ ăn, uống.

Tiệc cưới Huỳnh Thục Vy, tại phòng lớn tầng 2

Tiệc Tri ân và khám bệnh TPB tại tầng 3

Về buổi khám bệnh đợt 7. Mặc dù đã cố gắng thông báo huỷ khám sức khoẻ đến từng người, nhưng sáng ngày 17/4/2015 cả chục ông TPB VNCH vẫn đến phòng CLHB xem có đúng vậy không. Họ bán tín bán nghi vì cho rằng DCCT chưa bao giờ huỷ với họ điều gì. Không đành lòng trước niềm tin và sự hy sinh của họ, chúng tôi chia sẻ với họ những món quà đã chuẩn bị sẵn nếu chương trình không bị huỷ. Đó là quà của đài Little Sài Gòn bên Hoa Kỳ và bao thư 500.000 của chị Ngọc sống tại Bình Dương.

Sáng ngày 17/4/2015 LM Đinh Hữu Thoại phát quà cho các TPB đến khám bệnh hụt

Nhiều người nói rằng đã xem tấm hình phía dưới rất nhiều lần. Có người tâm sự rằng tấm hình đó toát lên một sự cảm xúc khó tả. Một tình nguyện viên trẻ bồng một TPB trong ngày Tri Ân Thương Phế Binh VNCH được tổ chức tại nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn ngày 28/4/2014.
Thật ra tôi cũng không nhớ người TPB này tên gì, nhưng vừa qua ngày 10/4/2015 có một thanh niên đến phòng Công Lý &; Hòa Bình báo tin cha là TPB Nguyễn Phước Hiền sau thời gian nằm viện vừa mất, xem lại danh sách thấy TPB Nguyễn Phước Hiền (sinh năm 1948), số quân: 68/134.833, Trung sĩ tiểu đoàn 39 BĐQ, bị thương cụt 2 chân tại chiến trường Quảng Trị năm 1970, người con cho biết linh cửu được đưa về nhà trọ tại quận 12.
Tối ngày 11/4/2015 chúng tôi đến viếng tang, khi đến mới nhận ra người TPB cụt 2 chân này chính là người mà Tình nguyện viên Hoàng Dũng đã bồng. Qua thân nhân được biết Ông lập gia đình sau khi đã là TPB cụt 2 chân và có 2 con trai, một Cao đẳng và một Đại Học, đã tốt nghiệp chưa lập gia đình, Vợ ông đã mất 4 năm trước. Một mình ông bán vé số nuôi 2 con ăn học, chỉ riêng việc này cũng đáng để chúng ta nể phục.



Tình nguyện viên Hoàng Dũng bồng TPB Hiền

Một trường hợp khác. Hôm 16/4/2015 bà Huỳnh Kim Hoàng tìm đến phòng Công Lý & Hòa Bình báo tin, anh của bà là TPB Huỳnh Hồng Long trước sĩ quan Thủ Đức ra trường phục vụ tại đơn vị tác chiến, ngày 16/6/1974 bị thương, anh Long sống độc thân, sau đó bị tai biến nằm một chổ, nhờ người em gái (là bà) chăm sóc. Và chúng tôi đã đến tận nơi thăm viếng, thấy hoàn cảnh của TPB Long quá bi đát khổ sở đã trao 1 triệu đồng gọi là để hổ trợ chia sẽ khó khăn. Sau khi đưa tin có một mạnh thường quân gởi biếu anh Long 100$AUD, người đó chỉ để tên là "bé Nhi", và ngày 21/4/2015 tôi đã đến thăm trao tận tay anh Long.



bao thơ “bé Nhi” gởi tặng TPB Long

Mới đây, vào trưa ngày 22/4/2015, Văn phòng Công lý & Hòa bình mở cửa lại sau giờ nghĩ trưa. Thật bất ngờ, một người TPB VNCH cụt cả hai chân đang nằm ngoài hành lang, ông tên Thạch Ba đến từ Sóc Trăng, trước phục vụ trong sư đoàn 21 bộ binh, ông sinh năm 1935 (80 tuổi) nhập ngũ năm 1955, bị thương cụt 2 chân vào năm 1974, sau gần 20 năm trong quân đội, cấp bậc cuối cùng là Trung sĩ nhất. Ông nghe nói về chương trình TPB của DCCT nên ông tìm đến với hy vọng nhỏ nhoi sẽ có thể nhận được sự trợ giúp của DCCT mà ông được nghe người ta kể lại. Nhìn người TPB cụt hai chân, nằm gối đầu lên cặp nạng bằng tre tự chế đã rệu rã phải buộc chằng thêm dây. Thật xúc động, chúng tôi tặng ông cặp nạng nhôm, nhưng vì ông bị cụt 2 chân nên ông dùng không vừa. Ngoài ra, ông còn mang theo hai bộ hồ sơ của 2 người bạn TPB cũng ở Sóc Trăng quê ông.

Người TPB cụt 2 chân nằm kê đẩu lên cặp nạng tre tự chế

Tôi bỗng nhớ đến một người TPB bị cụt 2 chân là anh Nguyễn Đức Bình TQLC đã cắt chế lại cặp nạng dùng rất tốt, tôi bèn mời anh Bình đến mượn cặp nạng cho ông thử nếu vừa thì đổi ngay cho ông để ông kịp trở về quê và sẽ chế cặp nạng khác thường lại cho anh Bình, nhưng ông Thạch Ba lùn hơn anh Bình nên không vừa. Cuối cùng chúng tôi phải thuyết phục mời ông ở lại đôi ngày để chế lại cặp nạng bằng nhôm cho ông, chúng tôi sắp xếp cho ông chổ nghĩ chung với 2 người TPB vô gia cư khác mà chúng tôi đã bảo trợ từ trước.



TPB Bình TQLC và Thạch Ba Sư đoàn 21 BB



Ba người TPB vừa xem TV vừa đối ẩm tại nơi nghĩ trọ

Hôm qua, ngày 23/4/2015 đã hoàn chỉnh cặp nạng mới cho ông, Và LM Thoại quyết định tặng 3 phần quà (mỗi phần gồm 1 chiếc áo, 1 cục xà bông và 2 cây cạo râu) kèm với 3 bao thơ (1 triệu/1 bao) gởi biếu ông và 2 người bạn TPB của ông ở quê, đặc biệt có một người bạn làm việc trong nhà Dòng biết tin đã đưa nhờ gởi tặng riêng cho ông Thạch Ba 1 triệu đồng.

cặp nạng mới và cặp nạng cũ



Mang về quê 3 bao quà và 4 bao thư

Sáng sớm hôm nay 24/4/2015, TPB Thạch Ba ra xe về quê. Nhớ buổi chiều khi tôi chở đưa ông về chổ nghĩ trọ, ông tâm sự ước có được một chiếc xe lắc để di chuyển, tôi có nói với ông, chúng tôi có thể tặng ông, nhưng chiếc xe lắc cồng kềnh làm sao chuyên chở đem về quê? Nếu là chiếc xe lăn xếp lại đưa lên xe đò chở đi dễ hơn, ông nói sức đã yếu không thể lăn xe đi xa nổi.

Tình Nguyện Viên đưa TPB về nơi nghĩ trọ

Tôi chỉ là một cựu quân nhân QLVNCH sẳn sang dốc hết tâm sức đồng hành cùng chương trình trợ giúp thương phế binh của phòng Công Lý & Hòa Bình thuộc Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế - Sài Gòn từ những buổi sơ khai.
Tôi hãnh diện mình là một cộng tác viên của phòng Công Lý &a Hòa Bình, và là một Tình Nguyện Viên xuyên suốt trong chương trình trợ giúp thương phế binh VNCH của Nhà thờ Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn, nơi mà trong thời gian qua được khắp thế giới ngưỡng mộ. Trong 6 lần liên tiếp Dòng Chúa Cứu Thế Sài Gòn đã tổ chức các đợt khám bệnh miễn phí cho các anh em thương phế binh VNCH. Và giúp họ từ chiếc xe lăn, xe lắc cho tới những phần quà tuy không bao nhiêu nhưng đầy tình người đã vực dậy niềm cô đơn và số phận không may của họ trong bao nhiêu năm trời bị nhà cầm quyền hất hủi và xã hội lãng quên.
Giờ đây sau 40 năm, dẫu có thế nào, dù có thay đổi gì đi nữa, tôi vẫn tin những con người đã từng một thời hy sinh vì lý tưởng bảo vệ tự do cho dân tộc Việt Nam sẽ luôn được tiếp tục tri ân, dù dưới hình thức nào, do bất kỳ tổ chức nào, và thực hiện dưới một mái nhà nào đi chăng nữa. 
Cám ơn các anh, những chiến hữu của tôi, và cám ơn các Cha DCCT, những người đã hết lòng hết sức tri ân đối với chiến hữu của tôi - những TPB VNCH.
Chắc chắn không một thế lực nào có thể thay đổi được tinh thần “Huynh đệ Chi Binh” của người lính VNCH và với truyền thống đạo lý tốt đẹp "lá lành đùm là rách" của dân tộc Việt Nam không thể nào ngoảnh mặt bỏ rơi họ.



các TPB cùng góp vui trong ngày khám sức khỏe



Chương trình tặng xe lắc cho các TPB

Tôi quan niệm rằng:
Trong công việc, Tình Nguyện Viên nhận nhiều việc về mình, không phải vì người ta xuẩn ngốc, mà là người ta hiểu được ý nghĩa trách nhiệm của một tình nguyện viên.
Tình Nguyện Viên giúp đỡ người khác, không phải vì họ nợ người đó cái gì, mà là vì người ta xem đó là trách nhiệm cao cả.

Xin hỏi như vậy
Có thể nào dừng lại được không?

Huỳnh Công Thuận - 24/4/2015

No comments: